Mục Lục
Tổng thống Nga Putin là ai?
Tổng thống Nga Putin Vladimir Vladimirovich Putin đọc theo tên tiếng việt ( Vla-đi-mia Vla-đi-mia-rô-vích Pu-chin) sinh ngày 7/10/1952 tại Saint-Peterburg là một thành phố liên bang của Nga. Đây là thành phố lớn thứ nhì ở Nga và cũng là cố đô của Đế quốc Nga.
Putin tốt nghiệp Ban quốc tế Khoa luật Đại học Quốc gia St. Petersburg năm 1975 và được tuyển dụng vào Ủy ban An ninh Quốc gia, viết tắt KGB hoặc КГБ, còn được gọi là Ủy ban An ninh Nhà nước, là lực lượng cảnh sát mật chính, và là cơ quan an ninh của Liên Xô từ năm 1954 tới khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Từ 1985 đến 1990 KGB chuyển Putin sang làm việc tại Dresden, Đông Đức, ở vị trí mà ông cho là hạng thấp. Sau khi chế độ Đông Đức sụp đổ, Putin được gọi về Liên bang Xô Viết và quay trở lại Leningrad, nơi vào tháng 6 năm 1990 ông được trao một chức vụ tại ban Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Leningrad, trực tiếp dưới quyền hiệu phó. Tháng 6 năm 1991, ông được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban quốc tế trong văn phòng thị trưởng St. Petersburg, với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài.
Putin đã chính thức thôi chức vụ bên trong ngành an ninh quốc gia ngày 20/8/1991, khi KGB ủng hộ cuộc đảo chính sớm thất bại chống lại Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov. Năm 1994 ông trở thành Phó chủ tịch thứ nhất thành phố St. Petersburg dưới quyền Anatoly Sobchak, vị trí ông giữ cho tới tận khi được gọi tới Moskva, tháng 8/1996, để nhận nhiều chức vụ cao cấp bên trong bộ máy chính quyền thứ hai của Boris Nikolayevich Yeltsin. Ông là lãnh đạo dân sự của Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB (cơ quan kế tục KGB) từ tháng 7/1998 đến tháng 8/1999, và giữ chức vụ Thư ký Ủy ban An ninh từ tháng 3 đến tháng 8/1999.
Đăng ký internet để xem tin tức
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên
Putin được Tổng thống Yeltsin chỉ định làm chủ tịch (predsedatel, hay thủ tướng) Chính phủ Liên bang Nga vào tháng 8/1999, khiến ông trở thành thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy mười tám tháng. Khi được chỉ định, rất ít người tin rằng Putin, một khuôn mặt rõ ràng ít tiếng tăm, có thể giữ ghế lâu hơn so với những người tiền nhiệm. Những đối thủ chính và có thể là người kế nhiệm của Yeltsin như Thị trưởng Moskva Yuriy Mikhaylovich Luzhkov và cựu Thủ tướng Nga Yevgeniy Maksimovich Primakov đã tiến hành các chiến dịch vận động nhằm thay thế vị tổng thống già yếu, đã có phản ứng mạnh mẽ nhằm ngăn cản Putin xuất hiện với tư cách một đối thủ tiềm năng. Hình ảnh một nhân viên ngành an ninh tiếp cận và xử lý vấn đề khủng hoảng Chechnya một cách cứng rắn của Putin đã nhanh chóng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng, cho phép ông dần vượt xa các đối thủ. Trong khi chính thức không liên kết với một đảng nào, Putin lại nhận được sự ủng hộ của phe Edinstvo (thống nhất) mới thành lập và hiện chiếm đa số trong cuộc bầu cử Duma tháng 12/1999. Putin được tái chỉ định làm Thủ tướng chính phủ và dường như đang ở vị trí thuận lợi nhất cho cuộc bầu cử tổng thống trong mùa hè sau đó. Quá trình thăng tiến của ông tới chức vụ cao nhất nước Nga thậm chí còn nhanh chóng hơn: ngày 31/12/1999, Yeltsin bất ngờ từ chức, và theo hiến pháp, Putin được chỉ định làm tổng thống (tạm quyền), trở thành vị tổng thống thứ hai của nhà nước Liên bang Nga. Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngày 26/3/2000, trong đó Putin đã thắng cử ngay từ vòng đầu tiên. Sau này Putin đã trao cho vị cựu tổng thống và gia đình của ông quyền hoàn toàn miễn trừ truy tố (thông qua nghị định tổng thống). Ngay trước đó, Yeltsin và gia đình mình đang bị các cơ quan chức năng Nga và Thụy Sĩ đặt nghi vấn về các trách nhiệm liên quan tới những vụ chuyển tiền bất hợp pháp.
Sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất mãn với Yeltsin – vị tổng thống già cả, vụng về và ốm yếu – thì việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết. Tuy nhiên, việc vị tổng thống mới được thắng cử không tránh khỏi những biện pháp ảnh hưởng hậu trường không nhỏ do nhóm ủng hộ Yeltsin tiến hành, họ đã lựa chọn và ủng hộ Putin nhằm bảo vệ quyền lực riêng cũng như giữ vững các quyền lợi ưu tiên của mình. Khi bộ máy chính phủ mới của Putin hình thành, các bộ mặt nhiều ảnh hưởng cũ thời Yeltsin – gồm cả Lãnh đạo Nhân sự Aleksandr Staliyevich Voloshin và Thủ tướng Mikhail Mikhailovitch Kasyanov – vẫn giữ được nhiều quyền kiểm soát đối với các chính sách và sự chỉ đạo của chính phủ mới. Mặt khác, Putin cũng được hậu thuẫn bởi một nhóm các nhà cải cách kinh tế từ quê hương Sankt-Peterburg của ông, và có thể tin cậy cũng như có được ủng hộ từ siloviki. (Nhóm này được gọi là những thành viên vẫn giữ nhiều quyền lực bên trong các cơ quan an ninh Nga, họ tự coi mình là những người bảo vệ quyền lợi quốc gia khỏi các chính trị gia và các quan chức tham lam, và thường được cung cấp đầy đủ thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị Nga.) Sự đấu tranh – và hợp tác – giữa nhiều nhóm đó là đặc trưng lớn nhất của nhiệm ký thứ nhất của Tổng thống Putin.
Ngay khi trúng cử, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga. Thời Yeltsin, 89 vùng lãnh thổ chính trị cấp dưới liên bang ở nước Nga (các nước cộng hoà, vùng, krai, Moskva và Sankt-Peterburg) đều được trao những quyền tự trị rất lớn. Trong khi hành động cải cách triệt để này có mục tiêu nhằm giúp cho các thủ đoạn chính trị của Yeltsin trong giai đoạn đầu thập niên 1990, nó cũng dẫn tới tình trạng phá vỡ các quy tắc liên bang và góp phần làm lớn mạnh các phong trào li khai, nổi tiếng nhất như tại Chechnya. Vì thế, một trong những đạo luật đầu tiên của Putin, nhằm tái lập lại cái mà ông gọi là “quyền lực theo chiều dọc” – nghĩa là quay trở lại với hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống. Trong hành động đầu tiên, Putin thông báo chỉ định bảy vị “đại diện toàn quyền” của tổng thống. Họ chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của liên bang tại các siêu vùng vừa mới được thành lập. Trong khi được coi là hành động thức hai nhằm phá vỡ kiểu nhà nước liên bang thời Yeltsin, vì nhiều lý do hệ thống đại diện toàn quyền đã mang lại một số thành công. Một hành động khác còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, Putin cũng đã tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga, Ủy ban Liên bang. Putin và bộ máy của mình trực tiếp đối đầu với nhiều vị Thống đốc bất tuân bị buộc tội tham nhũng, dù không phải lúc nào cũng là người chiến thắng.
Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Putin được đánh dấu bằng sự dàn xếp quan hệ với các nhóm tài chính-công nghiệp lớn, mà các nguồn tài chính cũng như các đế chế truyền thông của họ từng là những vũ khí quan trọng trong cuộc chiến tranh chính trị xảy ra trong nước những năm trước đó. Các thành viên chủ chốt trong bộ máy cũ của Yeltsin – thường được gọi thông tục là “the Family” (Gia đình) – quyết tâm trừng phạt phe thất bại, do Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, người từng ủng hộ bộ đôi Primakov/Luzhkov cầm đầu. Gusinsky đã rơi vào tình thế nguy ngập từ khi đế chế truyền thông của ông ta liên tục làm ăn thua lỗ và rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, chỉ tồn tại nhờ các khoản trợ cấp từ Gazprom và Ngân hàng Moskva do Luzkhov kiểm soát. Trong vòng một năm từ khi Putin lên nắm quyền, Gusinsky từ lúc là một kẻ có ảnh hưởng trở thành người bị giam vào tù; đế chế truyền thông từng một thời đầy ảnh hưởng của ông (Media-MOST) bị chia rẽ vì phá sản do các mối làm ăn với những công ty nhà nước hay liên minh với nhà nước bị hủy bỏ cũng như dưới sức nặng của những phán quyết hình sự hay dân sự do tòa án đưa ra. Thành tích ấn tượng nhất của Putin trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất là ngay khi vừa lên cầm quyền ông đã vực dậy nền kinh tế Nga từ chỗ suy thoái nhiều năm liền chuyển sang tăng trưởng. Nước Nga bắt đầu hồi sinh dưới sự lãnh đạo của Putin.
Cuộc khủng hoảng lớn nhất Putin phải đối mặt trên cương vị tổng thống xảy ra tháng 8/2000, khi chiếc tàu ngầm nguyên tử Nga Kursk đắm ngoài khơi bán đảo Kola, làm thiệt mạng 118 thủy thủ trên tàu. Rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội Nga tức giận với sự thất bại của chính phủ và quân đội trong việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mức độ và sự chắc chắn của thảm họa trong những ngày đầu tiên. Sau nhiều ngày để dân chúng tức giận và ngày càng hoang mang, Putin cắt ngắn kì nghỉ của mình, quay trở lại Moskva nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng. Cho tới khi chiếc tàu ngầm được kéo lên, ủy ban điều tra của chính phủ về vụ tai nạn này đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân, gồm cả việc va chạm với tàu ngầm của NATO (một giả thuyết không bao giờ được các bằng chứng ủng hộ và bị các nước thuộc liên minh bác bỏ). Tuy Putin bị chỉ trích trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga vì sự bất lực của mình trong những giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, nhưng nó không để lại những hậu quả lâu dài đối với hình ảnh ông trong lòng nhân dân.
Putin không ủng hộ việc xóa bỏ quá khứ Liên bang Xô viết ra khỏi lịch sử nước Nga — vốn là chính sách trước kia của Yeltsin nhằm mục đích chính là đối phó với các đối thủ của Đảng Cộng sản Nga. Ông đã miêu tả niềm tin của mình rằng Liên Xô trước kia là một phần quan trọng trong lịch sử Nga và những di sản của Liên Xô có một ảnh hưởng lớn trên việc hình thành xã hội Nga hiện đại. Vì thế, Putin đã đưa một số biểu tượng thời Xô viết đã quay trở lại nước Nga, như lá cờ đỏ của Hồng quân, tiêu ngữ “Ngôi sao Xô Viết”, và Quốc ca Liên Xô (được sửa chữa lời nhưng giữ nguyên nền nhạc) – tất cả những thứ đó đã tạo được ấn tượng tốt với đa số dân chúng Nga. Trả lời những người chỉ trích các hành động đó, Putin đã đưa ra lý lẽ rằng ông là tổng thống của mọi người Nga – gồm cả những người về hưu đã mất mọi thứ cùng với sự chuyển tiếp thời hậu Xô viết, những người vẫn trung thành với những biểu tượng của quá khứ.
Đảng Nước Nga thống nhất ủng hộ Putin đã giành được một thắng lợi vô tiền khoáng hậu trong cuộc Bầu cử Nghị viện Nga 2003. Các nhà quan sát chính thức từ nước ngoài đã gọi đó là một cuộc bầu cử tự do nhưng ghi chú rằng các cơ quan truyền thông lớn do nhà nước kiểm soát, đặc biệt là Truyền hình quốc gia Nga, đã tiến hành các chiến dịch truyền thông rộng lớn và không công bằng dành riêng cho đảng cầm quyền. Quả vậy, đa số các đài truyền hình Nga hiện dưới quyền quản lý trực tiếp hay gián tiếp của Kremlin. Trong khi có số độc giả hạn chế hơn, các tờ báo hiện đa dạng hơn; một số tờ chỉ trích chính phủ Kremlin, trong khi số khác ủng hộ đường lối chính phủ. Một trong hai tờ báo thương mại chính chính, Kommersant, do Boris Abramovich Berezovsky trực tiếp kiểm soát, trong khi tờ kia – tờ Vedomosti vốn được độc giả rất tin tưởng – thuộc sự đồng sở hữu của hai tờ Financial Times và Wall Street Journal.
Những lời chỉ trích trong nước và quốc tế buộc tội Putin đã đạo diễn các phiên tòa xử các nhân vật đầu sỏ chính trị như Boris Abramovich Berezovsky, Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, và sau này là Mikhail Borisovich Khodorkovsky như một phần trong nỗ lực của Kremlin nhằm kiểm soát toàn bộ phương tiện truyền thông Nga và các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Nga. Về phần mình, chính quyền của Putin đã đưa ra lý lẽ rằng những hành động của họ chống lại các nhân vật đầu sỏ trên dựa trên tinh thần pháp luật và nhằm kìm chế cũng như hủy bỏ những vấn đề xung đột nghiêm trọng trong nền kinh tế Nga sau nhiều năm có được đặc quyền đặc lợi.
Ngày 24/2/2004, chưa tới một tháng trước cuộc bầu cử, Putin đã cách chức Thủ tướng Kasyanov và toàn bộ chính phủ Nga và chỉ định Viktor Borisovich Khristenko làm quyền thủ tướng. Ngày 1/3, ông chỉ định Mikhail Yefimovich Fradkov vào vị trí này.
Đăng ký internet để xem tin tức
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai
Ngày 14/3/2004, Putin thắng cử nhiệm kỳ hai với 71 phần trăm số phiếu bầu. Một lần nữa các kênh truyền hình lại thực hiện một chiến dịch tuyên truyền một phía ủng hộ Putin, đa số chúng đều là các kênh do nhà nước sở hữu hay kiểm soát. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử và việc kiểm phiếu đều được các phái đoàn của Văn phòng vì các Thể chế Dân chủ và Nhân quyền thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tuyên bố là “tự do và công bằng”.
Ngày 13/9/2004, sau vụ Khủng hoảng con tin trường học tại Beslan, và những vụ tấn công hầu như đồng thời của những kẻ khủng bố Chechnya vào Moskva, Putin đã đưa ra một sáng kiến nhằm thay thế cuộc bầu cử các thống đốc vùng bằng một hệ thống theo đó họ sẽ được Tổng thống đề cử và được chấp nhận hay không bởi các cơ quan hành pháp địa phương. Những người phản đối sáng kiến này, gồm cả Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin, và Colin Powell, những người chỉ trích coi đó là một bước xa rời dân chủ ở Nga và quay lại với bộ máy tập trung trung ương thời kỳ Xô viết. Cùng ngày hôm đó, Putin đã công khai ủng hộ kế hoạch của Ủy ban Bầu cử Trung ương về việc bầu các đại biểu Duma dựa hoàn toàn trên sự giới thiệu từ các vùng, chấm dứt một nửa các cuộc bầu cử đại biểu tại các đơn vị chỉ bầu một người.
Ngày 25/4/2005, Putin đã gây ra một số cuộc tranh luận, khi trong một bài phát biểu trước Quốc hội, được phát trên truyền hình quốc gia đã coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết như là ” thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ.” Lời nói này được phương Tây và một số nước xung quanh nhìn nhận với thái độ chỉ trích; sau này Putin đã nói rõ rằng ông không hẳn ca ngợi Liên bang Xô viết cũ mà chỉ muốn nhấn mạnh tới ảnh hưởng mạnh mẽ của sự sụp đổ này trên thế giới, đặc biệt với kinh tế và đời sống người dân từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và sự dịch chuyển dân cư một phần gây ra từ tình cảm chống Nga tại nhiều nước cộng hòa đó. Trước năm 2005, ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Mười 7/11 hàng năm là ngày nghỉ lễ trên toàn nước Nga. Tuy vậy kể từ năm 2005 ngày nghỉ lễ 7/11 tại Nga đã bị Putin bãi bỏ và chỉ còn là một ngày bình thường.
Một trong những khía cạnh gây tranh luận nhiều nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Putin là việc truy tố người giàu nhất nước Nga, Mikhail Khodorkovsky, Chủ tịch công ty dầu mỏ Yukos. Trong khi đa phần phương tiện truyền thông quốc tế coi đó là một hành động chống lại một người từng cung cấp tài chính cho các đối thủ chính trị của Kremlin, chính phủ Nga tuyên bố rằng Khodorkovsky trên thực tế đã thực hiện hành vi mua chuộc phần lớn đại biểu Hạ viện Nga, ngăn chặn việc đưa ra những sửa đổi về thuế nhằm kiếm lợi ích riêng. Chắc chắn rằng, những vụ tư nhân hóa trước đó, gồm cả việc tư nhân hoá Yukos, đều được coi là có sự gian dối (Yukos, được định giá 30 tỷ dollar năm 2004, từng được định giá bán cho Khodorkovsky chỉ có 110 triệu dollar), và giống như những nhóm chính trị đầu sỏ khác, cái tên Yukos-Menatep luôn gắn liền với những lời buộc tội có liên quan tới các tổ chức tội phạm. Những đầu sỏ tài phiệt khác, từng thiết lập được quan hệ tốt với Kremlin, như Roman Abramovich và Vladimir Potanin, không bị đặt vấn đề nghi vấn tài sản ở mức độ như vậy.
Khi nhiệm kỳ thứ 2 sắp kết thúc, nhiều người đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga để cho phép Putin ra tranh cử Tổng thống lần thứ 3. Tuy nhiên ông đã từ chối điều này và tuyên bố dù không ở cương vị tổng thống, ông vẫn muốn có ảnh hưởng đến tình hình chính trị của nước Nga. Trong cuộc bầu cử Duma năm 2007, Đảng Nước Nga Thống nhất (Единая Россия) do ông đứng đầu đã chiến thắng với 64,5% số phiếu ủng hộ, qua đó để ngỏ khả năng ông lên làm Thủ tướng hoặc Chủ tịch Duma. Ngày 10/12/2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm mình. Ngay lập tức, Dmitry Medvedev đề nghị Putin trở thành thủ tướng nếu ông trúng cử Tổng thống. Ngày 17/12, Putin tuyên bố đồng ý nắm chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm tới.
Dù có nhiều thành tựu nhưng dưới thời Putin các chỉ số khả năng cạnh tranh và điều kiện kinh doanh chưa có nhiều cải thiện, tham nhũng lại gia tăng. Sự phát triển kinh tế hiện nay của nước Nga phần lớn là do giá dầu tăng nhiều hơn là do hiệu quả của các chính sách của Putin
Gần 10 năm thực hiện chính sách tái thiết nước Nga, Putin đã ổn định đáng kể tình hình đất nước, giúp cho xã hội quay lại hoài niệm về cường quốc Xô viết, đồng thời ông cũng công kích Mỹ và các nước phương Tây. Phương Tây thì cáo buộc ông kiểm soát chặt chẽ truyền thông và trấn áp những người đối lập.
Đăng ký internet để xem tin tức
Nhiệm kỳ tổng thống thứ ba
Nước Nga đã phát triển bùng nổ trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Putin từ năm 2000 đến năm 2008 nhờ giá dầu và giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này tăng cao trong giai đoạn này. Tăng trưởng trung bình hàng năm của Nga trong giai đoạn này lên tới mức 7% và Putin cam kết sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga trở lại các mức tăng trưởng cao này sau khi Nga bị suy giảm tới 7,9% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo rằng nước Nga có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng thấp do Điện Kremlin không thực hiện các cải cách trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Ulyukayev đã dự báo mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nga chỉ khoảng từ 2,5% – 3,0% từ nay cho đến tận năm 2025. Khu vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia. Ngoài ra, bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu ngày càng phình to và chi tiêu quốc gia thiếu hiệu quả cũng là những nhân tố cản trở tới mức tăng trưởng.
Vào ngày 4/3/2012, Putin đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3, với 63,6% số phiếu bầu. Phe đối lập với ông đã liên tục cáo buộc bầu cử bị gian lận. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin đã diễn ra ngay trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống. Khoảng 20.000 người đã tụ tập tại Moscow vào ngày 6/5 để phản đối việc Putin nắm quyền tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Đã xảy ra đụng độ, khoảng 30 cảnh sát bị thương và hàng trăm người bị bắt. Một cuộc tập hợp của 130.000 người ủng hộ Putin cũng diễn ra khi ông phát biểu tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, tuy vậy có những thông tin cho rằng một số người trong số đó là lao động do chủ cử đến, hoặc nhận tiền để đến, một số khác thì cho biết rằng họ tham gia vì lầm tưởng rằng đây là một lễ hội dân gian nào đó chứ không hề có ý tới để ủng hộ cho ông Putin
Vào năm 2014, quân đội Nga đã thực hiện một số cuộc xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ukraine. Sau cuộc biểu tình Euromaidan và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, lực lượng vũ trang đặc biệt của Nga đã nhanh chóng kiểm soát các vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng trong phạm vi lãnh thổ Ukraine của Crimea. Nga sau đó đã sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý, khi mà người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Sau đó, các cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ukraine đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại Donetsk và Lugansk. Các quốc gia phương Tây và các tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sau cuộc cách mạng, cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Ukraine. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp.
Các động thái của Putin đối với vấn đề Ukraine hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông (vào năm 2008, chính Putin đã từng khẳng định rằng Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và tuyên bố Nga không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine). Giữa năm 2014, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng vọt sau khi Nga sáp nhập Crimea. Với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để nhớ về vị trí siêu cường như trước đây. Theo TASS, kết quả khảo sát của hãng điều tra VTSIOM công bố ngày 3/8/2017 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Vladimir Putin ở cương vị Tổng thống Nga là 83,5% vào cuối tháng 7/2017. Tuy vậy theo một cuộc khảo sát được tiến hành ở Nga vào năm 2018, chỉ có 39% người Nga tham gia khảo sát tin rằng việc sáp nhập Crimea mang đến nhiều lợi ích hơn là gây ra những thiệt hại cho đất nước mình.
Cuối 2014, Nga lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng giá trị của đồng rúp Nga đối với các đồng tiền khác trong năm 2014 và suy thoái trong nền kinh tế Nga. Hai trong số những yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm kinh tế Nga là do việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế do sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraina và việc giảm giá của dầu thô, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga, giảm giá gần 50% so với mức cao của năm trong tháng 6/2014 đến ngày 16/12/2014. Khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả người tiêu dùng và các công ty, cũng như có một tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu. Thực tế đã cho thấy, chính người dân Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt này mang lại. Lệnh cấm vận của Phương Tây cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của Nga. Việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng, dẫn đến tiết kiệm giảm, tiền lương giảm và thất nghiệp gia tăng, hệ quả là chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo. Ngay trong năm 2015, mức tăng trưởng GDP của Nga giảm 3,7%. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, theo thời báo tài chính Financial Time. Vào năm 2016, mức lương trung bình của người Nga bị sụt giảm xuống chỉ còn 450 USD một tháng (so với mức 967 USD một tháng vào năm 2013), thấp hơn cả Trung Quốc và Ba Lan. Tỉ lệ người nghèo ở Nga đang có chiều hướng gia tăng, từ 16.1 triệu người sống dưới mức nghèo trong năm 2015 đã nhảy vọt lên con số 19.2 triệu người vào năm 2016. Đồng rúp của Nga cũng liên tục mất giá. Tính đến tháng 3/2016, giá trị của đồng rúp chỉ còn bằng 50% so với thời điểm tháng 7/2014.
Sau 2 năm suy giảm, đến cuối năm 2017, sau những cải cách của chính phủ, kinh tế Nga trên đà hồi phục và có mức tăng trưởng khá khả quan. Bối cảnh quốc tế cũng khả quan hơn khi giá dầu thế giới tăng và lần lượt vượt các mốc 60USD/thùng, 70USD/thùng – cao nhất trong 3 năm qua. Ngân hàng Goldman Sachs đầu năm 2018 dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đạt 3,3% trong năm 2018, cao hơn cả những ước tính của chính phủ nước này. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng. Lạm phát đã giảm xuống còn dưới 2%. Tuy vậy theo một cuộc khảo sát với 1.400 nhà quản lý doanh nghiệp ở Nga vào năm 2018, hơn 3/4 số người tham gia khảo sát (tỉ lệ 76%) đã đánh giá tình trạng của nền kinh tế Nga hiện nay là “khủng hoảng và thảm khốc”, trong khi chỉ 4% cho rằng nền kinh tế đất nước đang hoạt động tốt.
Vào ngày 30/9/2015, Tổng thống Putin đã cho phép quân đội Nga can thiệp quân sự vào cuộc Nội chiến Syria, sau khi có lời yêu cầu chính thức của chính phủ Syria nhằm giúp đỡ quân đội nước này chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm thánh chiến được Phương Tây bảo trợ. Đến tháng 3/2017, phần lớn quân đội Nga đã rút khỏi Syria, tuy nhiên Nga vẫn duy trì một nhóm tác chiến không quân và cố vấn quân sự để hỗ trợ quân đội Syria.
Đăng ký internet để xem tin tức
Nhiệm kỳ tổng thống thứ tư
Putin đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 với hơn 76% phiếu bầu. Đảng cộng sản Liên bang Nga cáo buộc cuộc bầu cử đã có sự sắp đặt từ trước để cho Putin giành thắng lợi. Hàng trăm người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga đã xuống đường biểu tình phản đối Putin sau khi nhận được kết quả của cuộc bầu cử, họ cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Nga chỉ là trò gian lận. Nhiệm kỳ thứ tư của Putin bắt đầu vào tháng 5/2018.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Nga vào năm 2018, số người dân Nga đặt niềm tin đối với Putin đã sụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006 (sụt giảm 33,4%) trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, thu nhập của người dân giảm sút và quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ vấp phải sự phản đối rộng rãi. Một cuộc khảo sát khác của tổ chức thăm dò độc lập có trụ sở tại Moscow, Trung tâm Levada vào tháng 12 năm 2018 cho thấy 63% người dân ủng hộ chính sách của Putin, tụt giảm so với mức 89% vào tháng 6 năm 2015.
Năm 2018, kinh tế của Nga đã đạt mức tăng trưởng 2,3%, vượt hơn dự báo 1,6% của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng cho năm 2019 là 1,4%, năm 2020 và 2021 ở mức 1,8%. Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với các nguy cơ cả từ trong và ngoài nước, gồm các lệnh trừng phạt mở rộng, sự xáo trộn tài chính và giá dầu giảm mạnh. Theo WB, việc triển khai thành công và hiệu quả các sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ cũng góp phần giúp tăng trưởng đầu tư, nếu các dự án quốc gia của Nga được triển khai hiệu quả thì chúng sẽ giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này, nhưng chỉ sau năm 2021.
Đăng ký internet để xem tin tức
Trich toàn bộ nguồn https://vi.wikipedia.org/