Thời gian quan, những thông tin như “cáp quang bị lỗi, đứt cáp quang, tuyến cáp quang gặp sự cố” xuất hiện thường xuyên. Như một hệ quả tất yếu, người dùng thường xuyên gặp tình trạng kết nối yếu, kém ổn định khi sử dụng internet.
Khi sự tiện lợi trong kết nối đang là ưu tiên hàng đầu của thời đại công nghệ số, giải pháp 4G/5G được nhắc đến nhiều hơn như một sự thay thế tiềm năng cho hệ thống internet cáp quang kết nối cầu kỳ và phức tạp. Vậy mạng di động 4G/5G có phải giải pháp thực sự hiệu quả để thay thế mạng internet truyền thống không?
Mạng 5G đã phát triển ra sao?
Mạng 5G đã thâm nhập rất nhanh chóng vào các hoạt động xã hội. Theo số liệu của Trangcongnghe.com.vn, tính trên toàn cầu, số người dùng mạng di động 5G đã vượt lên con số 1 tỷ (thống kê đến hết năm 2022). Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) cũng đã công bố, có hơn 1.700 loại thiết bị đầu cuối cùng hơn 240 mạng di động 5G khác nhau được thương mại hóa trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, áp dụng trên 40 tỉnh và thành phố. Trong đó bao gồm thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm mô hình SA/NSA, thử nghiệm các dải băng tần khác nhau và thương mại dịch vụ 5G. Có thể nói sau 2 năm kể từ khi đi vào thử nghiệm, cả phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới và cung cấp dịch vụ 5G đều được Việt Nam tiếp cận rất sớm.
Mặc dù những con số thống kê về sự thâm nhập nhanh và hiệu quả của mạng 5G tại nước ta đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc chuyển đổi này, nhưng những phương diện được và mất khi đặt lên bàn cân vẫn cho thấy sự chênh lệch nhất định. Vậy chúng ta sẽ được và mất những gì khi chuyển đổi từ internet cáp quang sang mạng di động 4G/5G?
Tại sao chưa thể chuyển hoàn toàn từ Internet có dây sang mạng di động?
Vấn đề mà internet cáp quang gặp phải khiến chúng ta muốn đưa ra giải pháp mạng di động thay thế là bởi sự ảnh hưởng lớn từ các yếu tố khách quan. Trong bối cảnh nhiều tuyến cáp quang biển của Việt Nam cùng liên tục gặp sự cố, chủ đề này càng được đẩy lên tranh luận sôi nổi.
Chẳng ai muốn gặp phiền toái khi đang cần giải quyết công việc hoặc giải trí kết nối bị gián đoạn ngay trong lúc cấp bách. Không ít trường hợp người sử dụng phải “Tắt Wifi, bật 4G” vì tốc độ truy cập internet quá chậm hoặc quá kém ổn định. Nhưng 4G/5G có thực sự tối ưu và không gặp bất kỳ vấn đề gì hay không?
Nhiều người đơn giản cho rằng, việc lắp đặt internet cáp quang vừa quá cầu kỳ và phức tạp, vừa chỉ có thể sử dụng cố định chứ không linh hoạt. Chất lượng kết nối lại ngày càng kém bởi những vấn đề đứt cáp, lỗi cáp thường xuyên diễn ra. Việc đổi sang dùng mạng di động được cho là một giải pháp nhanh, hiệu quả và khả dụng ở gần như tất cả mọi nơi.
Tuy nhiên, giải pháp này sẽ chỉ phù hợp và lâu dài nếu người dùng không có nhu cầu truy cập sử dụng lưu lượng lớn như họp trực tuyến, chơi game, hay các nhu cầu giải trí như xem video, livestream. Bởi đối với các nhu cầu cơ bản như đọc báo, lướt mạng xã hội, chơi những game đơn giản trên smartphone thì 4G/5G hoàn toàn có thể đáp ứng tốt với gói đăng ký giá rẻ theo tháng từ các nhà mạng.
Ngược lại, trong trường hợp người sử dụng phải tiêu thụ nhiều nội dung trực tuyến có dung lượng cao, đòi hỏi nhiều băng thông thì 4G/5G sẽ không thể cạnh tranh được với internet cáp quang về mặt giá thành. Thêm vào đó, internet cáp quang có dây sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố vị trí, địa hình như đường truyền 4G/5G. Bởi hệ thống mạng di động này phụ thuộc hoàn toàn vào trạm phát sóng 4G/5G của các nhà cung cấp. Khi quá nhiều người truy cập cùng lúc ở nơi có mật dân số cao, tình trạng nghẽn mạng hoặc kết nối chậm vẫn có thể xảy ra. Ở khu dân cư sâu trong ngõ ngách, tường nhà ngăn cách quá dài cũng không dễ dàng bắt được sóng 4G/5G. Vì thế, dù internet cáp quang có hơi “cồng kềnh” khi lắp đặt nhưng nó vẫn đảm bảo được sự ổn định trong một số điều kiện nhất định.
Kết luận
Nhìn chung, cho tới hiện tại thì sự tồn tại của mạng di động 4G/5G sẽ phải song song với internet cáp quang truyền thống. Người dùng sẽ chỉ cần đến mạng 4G/5G khi kết nối internet có dây gặp sự cố hoặc khi cần kết nối mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng. Trong khi đó, internet cáp quang sẽ được ưu tiên trong trường hợp phải truyền tải dung lượng lớn, duy trì tính ổn định cao. Trong tương lai, việc mạng nào chiếm ưu thế còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển và cải thiện của cả hai. Hiện tại, chúng vẫn sẽ tồn tại song song và bổ trợ lẫn nhau.
Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Giải pháp nào là tối ưu cho những hạn chế mà cả hai loại mạng kết nối gặp phải?